Tỉnh đoàn hưng yên
Thành phố hưng yên
Sáng mãi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Sáng mãi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, đạo đức, tác phong của người cách mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách dân tộc và của loài người. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”1. Đứng trước những khó khăn, thử thách của thời đại mới, tấm gương Hồ Chí Minh lại càng trở nên sáng chói. Tấm gương ấy là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy nội lực vượt qua mọi thách thức, khó khăn để tiến lên.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ đẹp nhất, tuyệt vời nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất của một Con Người. Đạo đức ở Bác là “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, hết lòng thương yêu mọi người, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân tộc. Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì dù nhỏ đến lớn đều thể hiện phẩm chất cao đẹp của người cách mạng giản dị... Điều đó thể hiện trong từng bữa ăn, từng tấm áo, đôi dép, từng lời nói, cử chỉ, từng việc làm lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Đã có hàng ngàn trang sách, hàng ngàn câu chuyện mà những người được chứng kiến, được là người trong cuộc kể lại vô cùng phong phú và cảm động về cuộc đời và đạo đức của Bác. Tên gọi Hồ Chí Minh của Người đã trở thành một mẫu đạo đức - “Đạo đức Hồ Chí Minh”. Bạn bè quốc tế khi nhắc đến tên Người là nhắc đến đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức ấy không chỉ toả sáng trong lòng nhân dân Việt Nam mà tên tuổi của Người được ca ngợi bằng những lời đẹp đẽ và cao quý. Người được thế giới công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, chứng kiến những thất bại của các bậc yêu nước tiền bối, và cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thực dân tàn bạo, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập tự do. Người đã sớm đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm được con đường giải phóng cho dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản theo Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế chân chính, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam đồng thời mở ra con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành đội tiên phong vững vàng sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Từ ngày Đảng ra đời, “dù ở nước ngoài hay trong nước, Người luôn luôn săn sóc đến Đảng, rèn luyện Đảng trở thành một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, lãnh đạo Đảng vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”2. Người đã xây đắp nên khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc tạo ra sức mạnh to lớn vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù với khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công”. Chính nhờ tư tưởng này mà trải qua biết bao cuộc đấu tranh đã tập hợp được đông đảo nhân dân chung sức đồng lòng chiến đấu vì tự do của dân tộc. Trong quá trình đấu tranh ấy, Người đã lựa chọn và đào tạo một lực lượng cốt cán cho cách mạng, đó chính là quân đội ta. Một đội quân cách mạng luôn luôn “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Dưới sự chỉ đạo của Người, quân đội ta đã từng bước tiến lên vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất.

Suốt một chặng đường dài lãnh đạo nhân dân chiến đấu gian khổ để giành lại độc lập cho nước nhà, Người đã vận dụng “chiến lược và sách lược là khoa học lãnh đạo cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin” một cách nhuần nhuyễn và phát triển thành một nghệ thuật đặc sắc, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước trong từng thời kỳ. “Người dạy chúng ta mỗi khi tình hình đổi mới, điều kiện mới của cuộc vận động cách mạng đã nảy sinh, hàng ngũ kẻ thù và hàng ngũ bạn đồng minh của cách mạng đã có chỗ biến hóa, thì phải lập tức xem xét lại chủ trương, chính sách và khẩu hiệu cách mạng, căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm, chiến lược, sách lược, không nên bám lấy những khuôn khổ cũ kỹ và lỗi thời”3.

Sự thành công của cách mạng cũng như nền hòa bình tự do mà chúng ta đang sống gắn liền với cuộc đời chiến đấu hy sinh hơn 60 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự cao cả của Người không chỉ là sống, chiến đấu và hy sinh cho độc lập tự do của riêng dân tộc mình mà còn vì tự do độc lập của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người đã hoạt động trong phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở Châu Âu, phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa ở Châu Á. Người chính là chiến sỹ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung, trong sáng đã có cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người luôn luôn giáo dục nhân dân Việt Nam thấm nhuần sâu sắc và kết hợp chặt chẽ tinh thần yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. “Người là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết quốc tế thuỷ chung, trong sáng. Cho đến phút cuối đời, Người vẫn hoạt động không mệt mỏi để góp phần khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”4.

Chúng ta biết đến Người bởi Người còn là một nhà đổi mới dũng cảm và sáng tạo. Người nói: “Chỉ có sự lãnh đạo của một Đảng biết vận dụng một cách sáng tạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”5. Trong cuộc đời cách mạng của mình, làm việc gì Người cũng xuất phát từ thực tế, tránh suy nghĩ bảo thủ, luôn luôn tìm tòi đổi mới và sáng tạo. Người nhắc nhở phải coi công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”6.

Chính những quan điểm tư tưởng mới và sáng tạo của Người đã góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước nhanh chóng đi đến thắng lợi và vươn tới những tầm cao mới. Cuộc đời của Người gắn liền với sự nghiệp cách mạng Việt Nam như một thiên hùng ca bất diệt. Người đi vào lịch sử cách mạng thế giới như Người khởi xướng cuộc đấu tranh giành tự do cho các nước thuộc địa trong thế kỷ thứ 20, và là người chiến sỹ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chiến đấu không mệt mỏi cho hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, một danh nhân văn hoá kiệt xuất.

Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và được kính trọng đối với hàng triệu triệu người khắp nơi trên Trái đất, được trân trọng ghi vào các bộ Đại bách khoa, các bộ Từ điển danh nhân lỗi lạc của thế giới. Với tấm lòng yêu mến và kính trọng sâu sắc đối với Người, các nước anh em đã lấy tên của Người đặt cho nhiều công trình, quảng trường, đại lộ, nhà trẻ, trường học,... Một số nước đã dựng phù điêu, tượng đài của Người trên quảng trường và trên các đường phố lớn.

Đồng chí Phiđen Caxtơrô ca ngợi: “Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và cao cả nhất... Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”7. Những lời đánh giá đó càng khẳng định sự tôn kính, mến mộ của triệu triệu trái tim đối với Bác. Bác là hình ảnh tuyệt đẹp của lòng yêu thương, quý trọng nhân dân, phong cách ứng xử giàu tính nhân văn, thấm đượm tâm hồn Việt Nam. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần nhân văn ấy thể hiện trước hết là vì nhân dân mình: Hướng đến sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đem lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”8. Tinh thần nhân văn ấy còn hóa thân trong sự nghiệp cách mạng cao cả của Người và cả trong đời sống thường nhật. Ngôi nhà sàn - nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958-1969) đã chứng minh cho ý tưởng nhân văn cao cả: Lấy hạnh phúc của nhân dân làm hạnh phúc của mình nên Người không màng danh lợi cá nhân. Nơi đây đã thể hiện một cuộc sống hết sức bình dị của một nhà nhân văn vĩ đại, “một cái nhà nho nhỏ nơi non xanh nước biếc” để ngoài giờ làm việc thì “câu cá, trồng rau”. Điều này lại làm chúng ta nhớ đến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về ngôi nhà nhỏ của Bác: “Cái nhà nhỏ vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng trong lúc tâm hồn Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”9. Cũng như Chủ tịch Văn phòng đại diện Vương quốc Bỉ tại Việt Nam đã nói về sự hiểu biết giá trị nhân văn Hồ Chí Minh qua ngôi nhà sàn của Người: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một nỗi trăn trở và mục tiêu duy nhất là cống hiến cho dân tộc mình, và ngôi nhà của người là một minh chứng cho lý tưởng đó”.

Đối với các thế hệ con người, các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm, chăm sóc, động viên, khuyến khích mà Người còn nâng cao thêm nhân cách vị thế của họ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét: “Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người”. Do vậy từ những đồ dùng sinh hoạt thường ngày của Người đang lưu giữ tại ngôi nhà sàn cũng rất giản dị, gần gũi với cuộc sống của nhân dân. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Một đôi dép lốp mòn quai dép/ Vài mảnh quần nâu mấy áo sờn”.

Là vị Chủ tịch cao tuổi nhưng đối với các bậc cao niên bao giờ Người cũng khiêm nhường. Nhận được thư hay quà của phụ lão, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ... dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn tự tay viết thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình chu đáo. Bởi vậy, khi đến với Người bất kể là ai, từ các vị nhân sĩ, trí thức đến bà con lao động bình thường đều thấy ở Bác ánh sáng của một nhân cách lớn, một tấm lòng bao dung độ lượng.

Không phải vô cớ mà nhiều nhà chính trị văn hóa trên thế giới đã hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh như một nhân vật kiệt xuất, như nhà chính trị kỳ tài, như tấm gương lớn về nhân cách hoàn thiện. Tuy đã đi xa nhưng Người để lại cho con cháu một di sản quý báu đó chính là tư tưởng, sự nghiệp vẫn còn sống mãi. Giá trị thể hiện cụ thể, sâu sắc nhất ở các di tích lưu niệm về Người, nơi đây chính là một trường học lớn về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để con cháu Người và bạn bè quốc tế học tập, ngưỡng mộ. Ngày ngày những dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và những di tích khác về Người ngày một thêm đông. Xúc động trước sự vĩ đại lớn lao ấy họ cũng viết lên những dòng cảm tưởng của mình:

Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ viết: “Chuyến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tôi thực sự xúc động. Vị lãnh tụ vĩ đại này không những sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam, mà còn tồn tại vĩnh cửu trong tư tưởng của những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hình ảnh của Người không bao giờ phai mờ trong lòng nhân dân Ấn Độ, những người luôn luôn ngưỡng mộ và kính trọng Bác Hồ. Tôi sẽ nâng niu những gì thấy được qua chuyến đi như kỷ niệm quý giá về một vị lãnh tụ kiệt xuất trong thời đại của chúng ta”10.

Ngài KơnKimYang, đại biểu Ban đối ngoại Đảng Lao động Triều Tiên viết: “Đến thăm ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã từng sống, chúng tôi như thấy lại nguyên vẹn hình ảnh của Người, vị lãnh tụ của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nên, hôm nay đang được Đảng và nhân dân Việt Nam anh em kế thừa và phát triển tốt đẹp. Dưới sự chỉ đạo của Đảng đã được tôi luyện và nhân dân Việt Nam cần cù, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp xã hội chủ nghĩa sẽ nhất định thuận lợi trên đất nước Việt Nam”11.

Chủ tịch Cuba Phiđen Caxtơrô viết: Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được mến yêu không chỉ bởi nhân dân Việt Nam mà còn bởi tất cả các dân tộc khác trên thế giới12.

Vị Tổng thống anh hùng của nước cộng hòa Chilê X.Agienđê đã khái quát: “Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường”13. Vào thăm nơi ở của Bác, khách nước ngoài muốn tìm hiểu về những tài sản riêng của Người và đã rất xúc động khi được biết Người không hề có một chút tài sản riêng. Một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Người sống như Người đã nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”14.

Sự đánh giá cao của bè bạn năm châu đối với giá trị, ảnh hưởng của tư tưởng và sự nghiệp Hồ Chí Minh đối với Việt Nam và thế giới đem lại cho chúng ta niềm tự hào vô hạn về lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta. Người là tấm gương lớn trong lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như hàng triệu triệu trái tim của bè bạn yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đúng như lời của nhà du hành vũ trụ G.Titốp đã để lại những dòng lưu bút sau khi trở lại thăm ngôi Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Chúng tôi rời ngôi nhà nhỏ của đồng chí Hồ Chí Minh với một niềm tin vững chắc rằng nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện được lời di chúc của vị lãnh tụ vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ làm được tất cả những gì để Việt Nam thống nhất, độc lập và tự do”. Câu nói ấy như nguồn động lực vô giá, trân quý và sự hãnh diện của dân tộc Việt Nam khi có Bác để khi nhắc đến dân tộc Việt thì nhân dân thế giới đều nói câu tiếp theo “Hồ - Chí - Minh”.

ThS. Mai Lệ Huyền

Phòng Hành chính, Tổng hợp
Theo 
http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN